Trang chủ » Tánh Không Trong Truyền Thống Phật Giáo Tây Tạng

Tánh Không Trong Truyền Thống Phật Giáo Tây Tạng

Trong tập sách nhỏ này, Thrangu Rinpoche trình trình bày một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng tánh không trong truyền thống Phật giáo Tây tạng, cả về giáo lý lẫn tu tập. Có thể nói đây là một kết hợp chặc chẽ của giáo lý và tu tập trong Phật giáo Tây tạng, đặc biệt là trong dòng truyền Karma Kagyu. Lý thuyết và thực hành hỗ trợ cho nhau, tạo nên sự quân bình trong lý thuyết và thực hành của Phật giáo Tây tạng.

Tánh không ở đây khởi đầu từ chính đức Phật, cụ thể là mười sáu cái không đã xuất hiện trong những lời dạy của Ngài trong kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa và cô đọng trong các giáo pháp vô ngã, bát chánh đạo, và giáo lý duyên khởi của Ngài, bắt đầu với chánh kiến hay là cái thấy đúng của Phật pháp. Các giáo lý này của đức Phật là nguồn nước tinh khôi, thuần khiết, miên viễn chảy lung linh trong tất cả các tông phái Phật giáo, đặc biệt là trong các truyền thống Rangtong và Shentong của Phật giáo Tây tạng.

Vào thế kỷ thứ nhất của Kỷ nguyên, khi Đại sư Long Thọ (Nāgārjuna) xuất hiện, như chính đức Phật đã tiên tri, tánh không được phát huy đến tột đỉnh của nó với “nhất thiết pháp không” được Long Thọ trình bày dưới hình thức biện chứng pháp trong Trung Luận(Mūlamadhyamakākarikā) với công thức “Bát Bất” lừng danh,[1] và cùng với các luận khác của sư, đã khai sáng một trường phái Đại thừa có ảnh hưởng lớn nhất ở Ấn độ thời bấy giờ, với sự đóng góp của các sư khác như Thánh Thiên (Āryadeva), Phật Hộ (Buddhapālita), Nguyệt Xứng (Chandrakīrti)…, tánh không được phát đại quang huy, về sau trở thành truyền thống Rangtong trong Phật giáo Tây tạng cho đến ngày nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *